Có ai đó đã tự hỏi mình vậy ta là ai, hay bản thân chính cá nhân ta là ai. Cá nhân ta là ta, là cả một vũ trụ mênh mông hàm chứa trong chính bản thân mình, là trí tuệ vô biên của bao kiếp người để lại, là sự tích lũy kinh nghiệm từ trong cuộc sống, trường học và trường đời của bao kiếp nhân sinh.
Hàng năm số lượng Phật tử trên địa bàn tỉnh tăng lên rất nhanh, các ngôi chùa đang dần được phục hồi, nhiều ngôi chùa từng bước được xây dựng ngày càng to lớn và đẹp đẽ như mong đợi của rất nhiều tín đồ, Phật tử, quần chúng nhân dân. Số lượng các Tăng, Ni vì thế cũng ngày càng tăng lên, có những vị sinh hoạt trong Ban Trị sự nhưng cũng có không ít vị do nhu cầu của các cá nhân, gia đình, nhóm phật tử và thậm chí tại cả các ngôi chùa đã được công nhận phục hồi đã và đang có mặt trên địa bàn không đung quy định của Giáo hội. Những dấu ấn đó để lại nhiều niềm vui nhưng cũng có không ít điều băn khoăn, trăn trở.
Có quá nhiều điều để nói nhưng tôi vẫn muốn trở về câu chuyện tu tập của bà con phật tử chúng ta (chuyện riêng của chúng ta). Cái có thể gọi là gốc rễ, là sự bền chắc, thành bại của một tôn giáo, là sự ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến với tư tưởng của một xã hội, nếp sống của một cộng đồng, hạnh phúc của một cá nhân. Nói đến câu chuyện này chúng ta không thể chạnh lòng vì nếu nhìn nhận một cách khách quan phật tử của chúng ta đang miên man ở một miền vô định nào đó trên con đường tu tập quá nhiều chông gai và trắc trở này.
Có lẽ nên bắt đầu từ sự trải nghiệm của chính bản thân tôi, từ sự quán chiếu tâm tưởng của cá nhân, sự nhìn nhận đối với các bậc đồng tu, sự mong đợi từ các bậc dẫn đường tôi tự nhận còn bao điều khó khăn đang chờ đợi. Chúng ta (tôi muốn nói là gần như tất cả chúng ta kể cả người đến chùa và không đến chùa) đang còn quá nặng lòng với sự tự ti, với sự mặc cảm, ghét bỏ với chính mình, với nhiều người xung quanh; Chúng ta đang cố chạy theo một "cái tôi" đầy ảo tưởng với quá nhiều điều mong muốn mà Đức Thích Ca đã từng khuyên nên gạt bỏ để bước trên con đường Ngài chọn cho ta. Và như vậy để đạt được điều "cái tôi ảo tưởng đó" chúng ta đã tự biến nội tâm mình thành một bãi chiến trường, một cuộc thánh chiến cho những ước muốn còn lâu mới đi đến tính toàn thiện (và có lẽ chẳng bao giờ đạt đến sự toàn thiện).
Có ai đó đã tự hỏi mình vậy ta là ai, hay bản thân chính cá nhân ta là ai. Cá nhân ta là ta, là cả một vũ trụ mênh mông hàm chứa trong chính bản thân mình, là trí tuệ vô biên của bao kiếp người để lại, là sự tích lũy kinh nghiệm từ trong cuộc sống, trường học và trường đời của bao kiếp nhân sinh. Trong mỗi chúng ta có đủ và có thể nói là tất cả đều công bằng như nhau. Vậy tại sao bạn không tự hào với chính bản thân mình, sự tồn tại của bạn trên cõi đời này như là minh chứng cho chính cái bạn có quyền tự hào. Vậy tại sao bạn phải tự ti với chính bản thân mình, phải quỵ lụy trước quyền lực (dù có là quyền lực mang danh tôn giáo). Bạn có biết chính sự quy lụy trước quyền lực của bạn đã làm cho quyền lực trở nên tha hóa (và bạn có biết quyền lực dễ bị tha hóa nhất chính là quyền lực mang danh tôn giáo). Vậy thì người tu tập phải làm gì? Chỉ có con đường duy nhất chúng ta phải trở lại với chính mình, trở lại với tâm ôn hòa, nhân ái; với sự bình đẳng nhưng bao dung; với sự khiêm tốn đến tận cùng dù bạn có là ai đi chăng nữa; là sự tự hào với chính bản thân mình dù bạn có thiếu thốn vật chất đến đâu, bạn có đau khổ vì mất mát đến đâu. Trong tâm thức bạn đừng nổi lên sự gét bỏ nào, cho dù chúng có là hành động, lời nói, ý nghĩ, ham muốn hay nỗi sợ hãi của chính ta. Bạn hãy dành cho mình chút thời gian, hãy quán chiếu tất cả những điều như vậy đã diến ra trong tâm tưởng bạn. Không, tôi xin muốn nói với tất cả các bạn là muốn thành công, bạn phải là chính mình, còn lại tất cả như Thầy của bạn, bạn đồng tu của bạn, Phật của bạn chỉ là chỗ dựa tinh thần là sự định hướng nào đó khi bạn cảm thấy mất phương hướng mà thôi. Bạn đừng bắt chước dù là ai đi chăng nữa, bởi bạn là bạn, là tất cả những gì bạn có và riêng biệt đối với mọi người. Chúng ta đã quá thần tượng hóa, cung phụng một ai đó mà mình tự cho như là chân lý dẫn đường. Bạn đã lầm. Chính Phật Thích Ca đã từng dạy phật tử: "Ta 49 năm hành đạo chưa từng nói một lời nào". Con người (xin lỗi vì danh xưng Ngài như vậy) toàn thiện và toàn mỹ đó cũng không bắt chúng ta phải máy móc bắt chước Ngài thì cớ gì chúng ta phải máy móc bắt chước một ai. Nếu chúng ta tự quán chiếu bằng tất cả những gì chúng ta đã trải nghiệm bằng sự chân thành, khiêm tốn nhưng cũng đầy tự hào với bản thân chúng ta sẽ không còn thấy tự ti, tội lỗi hay sợ hãi nào hết. Khi chúng ta khám phá chính bản thân, khám phá lòng trắc ẩn của chính mình, khám phá nội lực, trí lực của chúng ta tích lũy từ bao kiếp điều đó sẽ đem lại cho ta một sức mạnh của lòng can đảm và thành thật. Sức mạnh đó, sự thành thật đó sẽ dẫn bạn đến tình thương, thay vì gét bỏ; sự chấp nhận thay vì xa lìa; sự khiêm tốn thay vì ngạo mạn; sự lặng lẽ quan sát thay vì soi xét, phán quyết đúng sai.... Từ những điều qua tu tập chúng ta có thể chuyển hóa đời sống của mình.
Nói đến đây chắc nhiều người sẽ chất vấn tôi: Vậy các vị Tăng, Ni đang ở đâu, chùa chiền nằm ở vị trí nào, kinh sách có giá trị gì đây.
Trước hết tôi xin một lần nữa nhắc lại lời Phật dạy: Tất cả những điều đó là ngón tay để chỉ mặt trăng, dù ta là ai đi nữa ta vẫn phải cần có người chỉ dẫn định hướng đích đến và những cái bạn vừa chất vấn tôi là ngón tay chỉ mặt trăng, là định hướng nhưng hoàn toàn không phải là đích đến. Thầy của bạn có thể là người định hướng và chỉ ra phương pháp rất tốt cho bạn đích đến nhưng đừng lầm tưởng là Thầy sẽ đạt đến đích trước bạn. Bởi Thầy có định hướng, có phương pháp nhưng Thầy có đủ quyết tâm gạt bỏ những quyến rũ của cuộc đời này không? có đủ sự tự hào chân chính với chính bản thân Thầy? Thầy có đủ khả năng để phân biệt cái đúng, cái sai theo đúng tinh thần của Đức Như Lai hay không?..... tất cả đều do chính bản thân Thầy quyết định. Phật không giúp Thầy, chiếc áo Thầy tu không giúp Thầy (và có nhiều khi nó chính là trở ngại lớn lao trên con đường tu tập của Thầy). Chúng ta phải tự hào về tôn giáo này vì Phật giáo không trao truyền cho các quý Thầy thần quyền; quý Thầy không có đặc ân ban phát ân điển hay phạt vạ các bạn; quý Thầy là bạn đồng tu của các bạn (có khác chăng quý Thầy chuyên chú tu tập mà không vướng bận chuyện cơm, áo, gạo tiền nhiều như chúng ta và đó chính là chỗ thuận lợi cũng như điều khó khăn nhất của các quý Thấy). Nếu các bạn hiểu đúng tinh thần Phật giáo thì các bạn hãy kính trọng các quý Thầy nhưng đứng quy lụy trước các quý Thầy. Nếu làm vậy các bạn sẽ làm Phật đau lòng. Nếu làm vậy các bạn sẽ vô tình làm cho các quý Thầy không nhận diện đúng vị trí của mình. Và trong quá khứ, một phần của hiện tại tinh thần sai trái đó đã không ít lần khiến Phật giáo mất phương hướng.
Vậy chùa chiền ở đâu: Xin thưa, chùa chiền là không gian tâm linh thuận lợi nhất để các bạn tu tập, là môi trường lý tưởng để các bạn quán chiếu bản thân mình một cách đúng đắn nhất, là nơi các bạn gặp gỡ bạn đồng tu, chia sẽ kinh nghiệm và cùng phát nguyện truyền trao nghị lực tu tập, năng lượng và tư tưởng chân chính cho nhau. Ngôi chùa thật sự linh thiêng không vì tầm vóc vật chất của nó mà bởi tầm vóc quyền uy tâm linh của nó. Các bạn là người tạo nên sự linh thiêng của chính ngôi chùa chứ không phải bất cứ điều gì khác. Các bạn đến với chùa phát tâm từ bi, buông bỏ tham, sân, si; giảm đi sự ngạo mạn của bản thân, nhận diện được chính bản thân mình và phát đi thông điệp quyết tâm hướng đến chân, thiện, mỹ tức các bạn đã là người đem đến không gian linh thiêng, không gian thanh sạch của ngôi chùa. (Tôi không cố ý bỏ qua công lao của biết bao người đã đóng góp tiền của để xây dựng chùa vì các bạn đã tạo dựng một cơ ngơi để bạn đồng tu có chỗ che nắng mưa. Nhưng nếu các bạn hiểu rằng bước qua không gian chùa chiền đồ sộ nếu bạn đạt đến đích tu tập cao hơn đó chính là không gia tự nhiên nhất mà thiên nhiên mang lại, không gian các bạn tự tạo dựng bằng tư tưởng trong sáng của mình).
Và nếu các bạn đồng ý với tôi như vậy thì chính các bạn là người làm ô tạp không gian tâm linh này nếu đến chùa với sự mong cầu vị kỷ, tham muốn vô lối, ngạo mạn vì sự đóng góp của mình, lên mặt vì thời gian tu tập lâu năm ...Và nếu vậy dù bạn có đóng góp bao nhiêu tiền của, công sức nhưng bạn là nguyên nhân chính làm cho ngôi chùa mất đi sự linh thiêng của nó. Ngôi chùa có sự có mặt của bạn đã trở nên trần tục, thô thiển nếu không muốn nặng lời hơn là uế tạp.
Thưa các bạn đồng tu. Bao nhiêu năm tu tập nhưng tôi vẫn cố hiểu hết ẩn ý đằng sau kinh sách nhà Phật. Nhiều lúc tôi đã thoái chí, nản lòng. Nhưng các bạn hảy đừng nản lòng, lời Phật dạy qua kinh bổn không thể chỉ hiểu bằng ly trí, không chỉ hiểu bằng thời gian, mà phải bằng sự nỗ lực phi thường trong tu tập của cá nhân chúng ta. Có khi niềm vui mang lại sự hiểu biết nhỏ nhoi nào đó về kinh bổn. Tuy nhiên qua một phần trải nghiệm tôi thấy chính sự đau khổ, giằng xé, dằn vặt của chính từng cá nhân mới đem đến cho ta sự hiểu biết phần nào kinh Phật. Thầy của các bạn nếu có giảng giải cúng chỉ là truyền trao kinh nghiệm học hỏi của các Thầy (mà tôi tin cái đó không hoàn toàn là của các bạn, không thể máy móc sao chép) và tôi tin các Thầy cũng chỉ hiểu một phần nào đó (tùy đức hạnh, năng lực, ý chí tu tập của từng cá nhân) kinh bổn của Phật. Để hiểu được kinh của Đức Như Lai các bạn hãy vận dụng toàn thế năng lực, kinh nghiệm, vui sướng, hạnh phúc của mọi kiếp nhân sinh các bạn đã trải qua. Bởi Đức Như Lai khi chứng quả đã có ý định bỏ đi vì sợ khó ai có thể hiểu và bước tiếp trên con đường này.
Ở đây một lần nữa tôi xin khẳng định với các bạn là rằng các bạn không tự ti năng lực của mình bởi như nói ở trên các bạn là tất cả vũ trụ này, là trí tuệ của bao kiếp nhân sinh. Do vậy mỗi một trong các bạn hãy tìm cách tiếp cận kinh bổn, hiểu biết kinh bổn bằng con đường riêng của mình nếu các bạn có quyết tâm khám phá.
Vài lời đầu xuân bàn chuyện tu tập với các bạn đồng tu. Xuân đến cầu mong các bạn và tôi nỗ lực thật phi thường để phần nào tiếp cận chân lý Đức Như Lai đã mang đến cho chúng ta từ hơn 2600 năm trước.
Người tâm sự: Nguyễn Văn Long